Các loại Blockchain: Public và Private Blockchain
Bitcoin được gọi là tiền mã hóa – một hình thức tiền mặt kỹ thuật số không chịu sự kiểm soát của bất kỳ tổ chức nào. Nó sử dụng kết hợp công nghệ cơ sở dữ liệu phân tán, các khuyến khích tài chính và kỹ thuật mật mã để tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn có thể hoạt động mà không cần các lãnh đạo hoặc quản trị viên.
Blockchain mà Bitcoin hoạt động gọi là Public Blockchain, và hôm nay Coin Thủ sẽ cung cấp cho anh em thông tin về các loại Blockchain và khái niệm của nó.
1. Public Blockchain (blockchain công khai)
- Nếu anh em đã sử dụng một loại tiền mã hóa nào đó ví dụ như Bitcoin, thì anh em đã tương tác với một public blockchain. Và Bitcoin cũng chính là Public Blockchain giá trị và thành công nhất tính đến thời điểm bây giờ. Được gọi là blockchain công khai vì bất kỳ ai cũng có thể xem các giao dịch diễn ra, và chỉ cần tải xuống phần mềm cần thiết là có thể tham gia blockchain này.
- Chúng tôi cũng thường sử dụng thuật ngữ permissionless (không cần được cấp quyền) để mô tả các blockchain công khai. Không người gác cổng nào có thể cản trở bạn tham gia và bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào cơ chế đồng thuận (ví dụ, bằng cách khai thác hoặc góp cổ phần). Vì bất kỳ ai cũng được tự do tham gia và được nhận tiền thưởng khi đóng góp vào quá trình đạt được sự đồng thuận, chúng ta hy vọng sẽ thấy một cấu trúc liên kết phi tập trung cao trên một mạng được thiết lập xung quanh chuỗi công khai.
- Theo đó, chúng ta mong đợi blockchain công khai có khả năng chống lại sự kiểm duyệt cao hơn so với blockchain riêng tư (hoặc bán riêng tư). Vì bất kỳ ai cũng có thể tham gia mạng, nên giao thức phải kết hợp một số cơ chế nhất định để ngăn chặn các tác nhân độc hại tấn công ẩn danh.
- Tuy nhiên, cách tiếp cận theo định hướng bảo mật trên các chuỗi công khai thường phải đi kèm với sự đánh đổi về hiệu suất vận hành. Nhiều chuỗi khối gặp phải trở ngại về mở rộng và hiệu suất vận hành tương đối thấp. Hơn nữa, việc đưa ra các thay đổi trên một mạng mà không phân tách nó có thể là một thách thức, vì hiếm khi tất cả những người tham gia đồng ý về các thay đổi được đề xuất.
2. Private Blockchain (blockchain riêng tư)
- Trái ngược hoàn toàn với tính chất không cần được cấp quyền (permissionless) của các blockchain công khai, các blockchain riêng tư đặt ra các quy tắc về việc ai có thể tham gia và ghi dữ liệu vào chuỗi (chúng là những môi trường cần được cấp quyền). Chúng không phải là hệ thống phi tập trung, vì có một hệ thống phân cấp rõ ràng xét về mặt kiểm soát. Tuy nhiên, chúng là các mạng phân tán, trong đó nhiều nút vẫn duy trì một bản sao của chuỗi trên máy tính của họ.
- Private Blockchain phù hợp với thiết lập doanh nghiệp, trong đó một tổ chức muốn tận hưởng các thuộc tính của blockchain mà vẫn có thể bảo vệ mạng của họ không bị những người bên ngoài truy cập.
3. Consortium Blockchain (kết hợp giữa hai loại blockchain công khai và riêng tư)
- Consortium blockchain là sự kết hợp giữa các chuỗi công khai và riêng tư và kết hợp các yếu tố từ cả hai. Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa các loại blockchain này có thể được quan sát ở cấp độ đồng thuận. Thay vì một hệ thống mở trong đó bất kỳ ai cũng có thể xác nhận các khối hoặc một hệ thống đóng trong đó chỉ một tổ chức duy nhất chỉ định những người tạo ra các khối, thì chuỗi consortium bao gồm một số các bên có quyền lực ngang nhau hoạt động như các trình xác nhận.
- Từ đó, các quy tắc của hệ thống rất linh hoạt: khả năng hiển thị của chuỗi có thể giới hạn ở các trình xác nhận, có thể được xem bởi những cá nhân được ủy quyền hoặc bởi tất cả. Với điều kiện các trình xác nhận có thể đạt được sự đồng thuận, các thay đổi có thể dễ dàng được đưa ra. Đối với chức năng của blockchain, nếu một số lượng nhất định các bên hoạt động trung thực, hệ thống sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề nào.
- Một consortium blockchain sẽ có lợi nhất trong môi trường có nhiều tổ chức hoạt động trong cùng một ngành và yêu cầu một nền tảng chung để thực hiện các giao dịch hoặc để chuyển tiếp thông tin. Tham gia một consortium loại này có thể có lợi cho một tổ chức, vì nó sẽ cho phép họ chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về ngành của họ với những người chơi khác.
4. Phân biệt Public Blockchain với Private Blockchain:
- Hiểu đơn giản, Public Blockchain là một buổi biểu diễn ngoài trời miễn phí, người ta thích thì ghé vào xem, không thích thì bỏ đi, nhưng họ vẫn là duy nhất nhờ public-private key, sẽ chả có ai giống họ, còn Private Blockchain là một buổi diễn trong nhà, ai có vé mới được vào và trên vé lúc này còn xác định thêm hạng ghế, khách mời hay nhà tài trợ hay chỉ là người mua vé bình thường.
5. Tổng kết về các loại blockchain
- Có nhiều tùy chọn blockchain tồn tại cho các cá nhân và doanh nghiệp để tham gia vào các hoạt động khác nhau. Ngay cả trong các danh mục Public Blockchain, Private Blockchain và Consortium, mỗi 1 loại đều có điểm khác biệt dẫn đến trải nghiệm người dùng khác nhau. Tùy thuộc vào trường hợp sử dụng, người dùng sẽ cần chọn trường hợp phù hợp nhất để đạt được mục tiêu của mình.